Cai trị Đàng Ngoài Trịnh_Căn

Ổn định xã hội

Năm 1674, Trịnh Tạc do tuổi cao sức yếu, tâu xin nhà vua phong cho Trịnh Căn làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Định Nam vương, dự bị thừa kế ngôi chúa[1]. Trịnh Căn tự xưng là Phó vương. Từ bấy giờ, phủ Phó vương ban ra lệnh gì thì gọi là lệnh chỉ để phân biệt với lệnh dụ từ phủ chúa ban ra[5]

Năm 1682, Trịnh Tạc mất, Trịnh Căn lên ngôi chúa[1][7]. Kế tục sự nghiệp của cha, Trịnh Căn chú tâm củng cố bộ máy cai trị ở Bắc Hà. Ông trọng dụng các danh sĩ như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tông Quai, v.v...Năm 1683, Trịnh Căn hạ lệnh cho các quan phải vi hành để thị sát đời sống dân chúng. Trong lệnh chỉ ông viết:

Thương yêu dân chúng là việc đầu tiên của chính sự. Dân chúng có người vì quan sở tại hà khắc, bọn quyền quý ức hiếp, có người vì oan ức phải phiêu tán tha hương, họ cần được vỗ về thương yêu mới phải.

Năm 1687, Trịnh Căn rút lệ chống án xuống bốn tháng cho việc giết người và ba tháng cho việc trộm cướp, hai tháng cho các việc tạp tụng khác. Năm 1693, ông chỉnh đốn lại thể văn thi ở các khoa trường, đặt chức quan quản lĩnh công việc ở Quốc Tử Giám, lập sổ "tu tri" quản lý các xã thôn trong nước. Lại theo lời tham tụng Nguyễn Văn Thực, bắt đầu đặt chức quan kiêm bản lãnh công việc ở Quốc Tử giám. Lại chia nho thần làm bốn hạng: liêm năng, bình thường, trễ biếng và tham giảo[1].

Năm 1694, ông hạ lệnh xử tử 52 người Đa Già Thượng[8] và triệt hạ làng đó sau khi phát giác ra việc người làng ấy trong 2 năm đã lập nhà trọ để lừa giết cướp của cải của khách bộ hành nghỉ lại[1][7].

Mùa thu năm 1696, ông hạ lệnh cấm đạo Gia Tô một lần nữa, lại buộc người Trung Quốc sang trú ngụ, nhất luật phải tuân theo phong tục nước Đại Việt. Mùa thu cùng năm có đợt khảo quan, Trịnh Căn triệu Tham tụng Nguyễn Quán NhoLê Hy vào phủ để nghĩ sẵn đầu bài thi, sau đó Quán Nho tiết lộ đề thi ấy ra. Trịnh Căn giận, bèn biếm chức Quán Nho làm Tả thị lang bộ Binh. Hôm sau, vì đô ngự sử Nguyễn Quý Đức vì việc hối lộ mà bị giáng chức Tả thị lang bộ Binh. Trịnh Căn lại cho Quán Nho làm đô ngự sử[7]. Năm 1697, Trịnh Căn nghiêm cấm cờ bạc và đặt luật để trừng phạt đổ bạc[1].

Cũng trong năm 1697, giám thi trường Thanh Hoa Ngô Sách Tuân bí mật đưa quyển thi của con quan tể tướng Lê Hy cho khảo quan phê lấy đỗ. Việc này bị Tham chính Thanh Hoa Phan Tự Cường phát giác. Trịnh Căn khép Sách Tuân vào tội thắt cổ, Tự Cường được thăng chức thiêm đô ngự sử[1][7]. Mùa thu năm 1698, Lê Hy vì ghét Hoàng Công Chí nên dâng sớ đàn hặc; Trịnh Căn giáng Công Chí làm Hữu thị lang bộ Lễ, còn Hy được làm Thượng thư bộ Binh. Hồng lô tự khanh Vũ Thạnh làm tư giảng cho Trịnh Bính, thường đem việc người trong nội phủ xin xỏ gửi gắm về kiện tụng nói với Bính. Bính đem việc ấy nói với chúa. Chúa bèn bãi chức Vũ Thạnh.

Năm 1707, chúa sai định lại phép khảo công và niên hạn ân tuất cho dân phiêu lưu[9]. Lại nhận thấy chức trách phủ huyện là chỗ thân cận với dân, mà cách làm việc của bộ Lại ngăn trở người tài, nên lệnh hai ty Thừa chính, Hiến sát chọn trong số các viên huyện lệnh thuộc dưới quyền, đề cử người nào có thể giữ nổi chức tri huyện, tri phủ thì hãy đề cử để triều đình cất nhắc[9].

Quan hệ với Trung Quốc

Bấy giờ thế lực của họ Mạc ở Cao Bằng đã bị đánh dẹp từ năm 1677, Mạc Kính Vũ phải chạy sang Long châu thuộc Trung Quốc. Tháng 6 năm 1682, vua Khang Hi nhà Thanh hạ lệnh giao trả tù binh họ Mạc là bọn Kính Liêu cho Đại Việt. Trịnh Căn bèn Vũ Duy Đoán và trấn thủ Lạng Sơn Thân Đức Tài đến tiếp nhận. Lúc đó tên của Duy Đoán đứng dưới tên Đức Tài. Đến đầu năm 1683, khi lễ giao trả sắp diễn ra thì Duy Đoán đã được thăng chức Thượng thư, được lệnh đi cùng Vũ Công Đạo, nhưng chúa vẫn muốn công ăn để như trước. Công Đạo và Duy Đoán cố tranh luận, khuyên can. Chúa giận lắm, bãi chức cả hai người, thay vào đó là bồi tụng Nguyễn Quai và bọn Trần Thế Vinh, Đặng Đình Tướng đi cùng Thân Đức Tài[7].

Các quan bên Đại Việt bị Vương Quốc Trinh ở Quảng Tây ép phải nộp tiền hối lộ là 5500 lạng bạc để được giao trả tù binh[7]. Số tù binh 350 người họ Mạc được đưa về kinh. Nhà vua ngự điện Kiền Nguyên nhận tù binh, sau lại dẫn đến sân phủ chúa để chịu tội. Chúa Trịnh tha tội cho bọn họ, lại ban quan tước cho Kính Liêu[7]. Lại vì số tiền hối lộ quá lớn, nên Đình Tướng bị giáng chức, các quan khác cũng bị phạt tiền.

Mùa đông năm 1683, sứ nhà Thanh là Minh Đồ sang Đại Việt ban lễ phẩm tế Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông. Lúc ấy vẫn chưa an táng Tây vương Trịnh Tạc. Trịnh Căn bèn giả mạo thư của Lê Hi Tông đưa đến mời sứ thần nhà Thanh viếng Trịnh Tạc, Minh Đồ bèn dùng lễ riêng phúng viếng[7].

Bằng nhiều nỗ lực ngoại giao, Định Nam Vương Trịnh Căn buộc nhà Thanh phải trả lại một số thôn ấp ở vùng biên giới do các quan trấn thủ nhà Thanh lấn chiếm khi họ Trịnh mải tập trung vào chiến tranh với họ Nguyễn. Vào mùa hạ năm 1688, chúa Bầu Vũ Công Tuấn bị quân Trịnh đánh bại nhiều lần nên cầu cứu với nhà Thanh, nhân đó thổ ti châu Khai Hóa của Trung Quốc chiếm đất hai châu Vị Xuyên, Bảo Lạc[10] thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa. Triều đình nhiều lần tranh nghị nhưng chẳng ăn thua, từ đó đấy hết đời nhà Lê đất ba châu không thu lại được nữa[7].

Lúc bấy giờ Vũ Công Tuấn tự xưng là tiểu Giao Cương vương, ngầm cùng dư đảng họ Mạc thường đem quân quấy phá các vùng xung quanh, quân Đại Việt nhiều lần đánh nhưng không được. Mùa hạ năm 1689, Trịnh Căn cử đốc suất Lê Hải, đốc thị Đặng Đình Tướng đem quân tới đánh. Bọn Lê Hải gửi thư cho tổng đốc Vân Nam giao trả lại gái trai lớn bé hơn 120 người. Vũ Công Tuấn sau đó bị giải về kinh sư giết chết[7].

Thôn Na Oa châu Lộc Bình thuộc Lạng Sơn giáp với Trung Quốc, bị thổ tù Vi Vinh Diệu chiếm lấy, giao về địa giới Trung Quốc. Mùa đông cùng năm triều đình sai Đoàn Tuấn Khoa cùng Lê Chí Tuân sang phủ Tứ Thành nhà Thanh hội khám, kết quả Na Oa được trở về Đại Việt. Trịnh Căn khen về việc này, lại cho Tuấn Khoa được làm bồi tụng. Sau đó lại xảy ra tranh chấp khác, thổ tù châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4000 lạng bạc đến làm tin để ở đất Na Oa. Thế Hoa bèn đào hào và dựng 3 bia đá ở xã An Khoái Châu Lộc Bình. Từ đấy đất Na Oa lại mất về nhà Thanh[7].

Mùa hạ năm 1698, Trịnh Căn sai Nguyễn Đăng Đạo đi sứ nhà Thanh tranh luận về 3 động Ngưu Dương, Hồ Điệp và Phổ Viên thuộc châu Vị Xuyên xứ Tuyên Quang bị nhà Thanh chiếm, nhưng vua Thanh không thuận trả, cho rằng đất ấy thuộc Trung Quốc. Năm 1701, lúa chiêm ở châu Lạc Bình thuộc Lạng Sơn đã chín, Vi Vinh Diệu ở châu Tư Lăng đem dân đấn lấn cướp. Chúa sai thổ ty Vi Phúc Vĩnh phòng bị, nhưng lại lệnh đừng gây bạo động lớn[7].

Quan hệ với Ai Lao

Mùa đông năm 1696, chúa lệnh cho trấn thủ Nghệ An Đặng Tiến Thự đem quân hộ vệ Triều Phúc về làm vua nước Ai Lao, bắt đời đời cống nạp[7]. Năm 1700, bộ tộc Lạc Hòn dấy quân đánh Triều Phúc ở Ai Lao, không thắng được. Họ bèn đưa thư cho đốc suất Nghệ An là Lê Huyến xin vào dâng lễ cống và xin bắt Triều Phúc đem về, để người Lào được đặt tù trưởng khác và thu tô thuế để nộp. Triều đình bên Việt từ chối, cuối cùng Lạc Hòn phải xin hòa với Triều Phúc.

Năm 1706, do Triều Phúc đã lâu chưa cống nạp, Trịnh Căn sai sứ trách hỏi, Triều Phúc xin dâng cống nạp về lễ diên thọ và xin 3 năm dâng một lần. Triều Phúc lại xin giúp cho binh khí và xin cho làm thông gia. Trịnh Căn làm giấy yên ủi và gả một người cháu gái thuộc Trịnh gia cho vua ấy.

Vấn đề người kế vị

Con trưởng của Trịnh Căn là Trịnh Vịnh mất sớm khi còn đương sức (1681), nên ông dùng con thứ hai là Trịnh Bách làm kế tự. Năm 1684, Trịnh Bách được tấn phong làm Khâm sai tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ, kiêm giữ quyền chính trong nước, chức thái úy, tước Kiêm quận công, mở phủ Lý Chính[7].

Năm 1688, Trịnh Bách mất. Lúc bấy giờ con trưởng của Trịnh VịnhTrịnh Bính đã lớn, nên được dùng làm kế tự, phong tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ các xứ, kiêm giữ cả chính quyền, chức thái úy, tước Tấn quốc công, mở phủ Dực quốc[7].

Năm 1703, Trịnh Bính qua đời. Lúc đó tuổi chúa đã cao mà ngôi thừa tự vẫn chưa ổn định. Theo kiến nghị của bồi tụng Nguyễn Quý Đức, ông quyết định lập con của Trịnh Bính là Trịnh Cương làm người thừa kế, làm tờ biểu tiến phong Cương làm khâm sai tiết chế các dinh quân thủy quân bộ kiêm giữ hết cơ quan chính quyền, chức thái úy, tước An quốc công, mở phủ Lý quốc[7][11].

Năm 1704, hai con của Trịnh BáchTrịnh Luân, Trịnh Phất liên kết với bọn Đào Quang Giai mưu đồ soán ngôi. Hiệu thảo Nguyễn Công Cơ biết việc tố cáo. Trịnh Căn bèn giết Luân và Phất, thăng Công Cơ làm Thị lang. Năm sau, nhà vua hạ chiếu nhường ngôi cho thái tử Lê Duy Đường, là Lê Dụ Tông. Hi Tông lên làm Thái thượng hoàng, ra ở điện Kiền Thọ.

Ngày 17 tháng 6 năm 1709, Trịnh Căn qua đời, hưởng thọ 77 tuổi, ở ngôi chúa được 28 năm (1682 - 1709), được tôn miếu hiệuChiêu Tổ, thụy hiệu Khang vương. Trịnh Cương lên ngôi chúa, tức là An Đô Vương.